Dư luận đang xôn xao vụ hai thanh niên “giật” ổ bánh mì bị tòa án tuyên phạt hình phạt tù. Theo đó, Nguyễn Hoàng Tuấn bị tuyên phạt 10 tháng tù và Ôn Thành Tân bị phạt 8 tháng 20 ngày tù về tội Cướp giật tài sản. Vụ án có dấu hiệu oan sai, vì không truy cứu đúng người, đúng tội.
Theo bản cáo trạng của VKSND Thủ Đức, thời điểm xảy ra hành vi phạm tội Tuấn và Tân đều đói bụng, không có tiền nên bàn cách vờ mua đồ ăn rồi bỏ chạy. Đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức). Tuấn hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me, tổng giá trị là 45.000 đồng. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nylon thì cậu ta giật phăng, tăng ga bỏ chạy. Như vậy với cách lập luận này VKSND cũng như Tòa án đã xác định các em thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ quán và sử dụng thủ đoạn tẩu thoát một cách nhanh chóng để đạt được mục đích chiếm đoạt. Đây là dấu hiệu của Tội Cướp giật tài sản theo quy định của điều 136 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung vào năm 2009) nhưng lại không phản ánh chính xác sự thật khách quan của vụ án.
Nhận thấy, việc Tuấn và Tân công khai chiếm đoạt được tài sản trị giá 45.000 đồng của chủ tiệm tạp hóa xuất phát từ việc bà chủ tiệm tạp hóa không thể có đủ điều kiện hoặc nếu có thì cũng không thể ngăn cản được hành vi của Tuấn và Tân trên thực tế. Điều này thể hiện qua lời khai của người bị hại, theo đó tại thời điểm đưa bánh mì cho Tuấn và Tân thì người bán hàng đã quay sang bán tiếp cho người khác và có sự lơ là, mất cảnh giác. Nguyên nhân của việc đó là do người bị hại tin tưởng vào việc thanh toán của Tuấn và Tân. Lợi dụng vào sự sơ hở đó, Tuấn và Tân đã nhận thấy bà chủ cửa hàng tạp hóa không thể và cũng không có đủ điều kiện để đuổi theo nếu như cả hai cầm túi bánh mì và bỏ chạy. Do đó, hành vi này có dấu hiệu của một tội khác, mà theo tôi đó là tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 137 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra ý thức phạm tội của Tuấn và Tân nảy sinh rất bộc phát, không có sự bàn bạc, chuẩn bị, phân công kỹ lưỡng. Đơn giản chỉ là vi đói bụng, nhưng hết tiền nên có ý định giả vờ mua hàng, rồi lợi dụng sơ hở mà chiếm đoạt. Hành vi này cũng không có dấu hiệu đặc trưng của hành vi “cướp giật”, như phải dùng phương tiện nguy hiểm, thực hiện một cách công khai, trắng trợn và tạo bạo, xem thường tính mạng và sức khỏe của người khác. Bạn luận tội quy kết đây là dang tội phạm có chủ mưu, cầm đầu là cũng không chính xác.
Ở góc độ xã hội, Tuấn và Tân thực hiện hành vi khi ở tuổi vị thành niên, nhận thức xã hội và pháp luật chưa đầy đủ, điều kiện, hoàn cảnh, phương tiện và hình thức thực hiện và hậu quả của hành vi của Tuấn và Tân trong vụ án này chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội, không đáng để cách ly các cháu ra khỏi xã hội. Hình phạt mà tòa sơ thẩm áp dụng như vậy là quá nghiêm khắc, không đạt được mục đích hình phạt.
Như đã phân tích, hành vi phạm tội, nếu có thì Tuấn và Tân chỉ phạm vào tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, điều 137, Bộ luật Hình sự là tài sản phải “có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.”
Xét trên tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản: Giá trị tài sản không đủ, không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử phạt hành chính và chưa bị kết án về hành vi này. Không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tuấn và Tân về hành vi phạm tội mà hai cháu đã thực hiện.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần chủ động có ý kiến xem xét theo hướng kháng nghị bản án sơ thẩm, nếu hai cháu không có đơn kêu oan để trả lại công bằng cho các cháu.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Điều hành Hãng Luật Giải phóng