Tranh chấp kinh doanh thương mại được xem như là hệ quả tất yếu của quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hóa. Đó là những mâu thuẩn (hay bất đồng, xung đột) về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại. Ngày nay, cùng với sự phát triển của các hoạt động mua bán, trao đổi, kinh tế tự do mở cửa các hoạt động tranh chấp cũng đa dạng và phức tạp hơn.Để một tranh chấp được xem là tranh chấp kinh doanh thương mại cần hội đủ các yếu tố về mâu thuẩn quyền lợi các bên, mâu thuẩn phải phát sinh trong hoạt động thương mại và chủ thể là các doanh nhân.
Giải quyết các mâu thuẩn phát sinh trong quá trình kinh doanh để đảm bảo lợi ích và duy trì mối quan hệ làm ăn luôn được các doanh nhân cân nhắc kỹ lưỡng. Phương thức giải quyết tranh chấp ban đầu được áp dụng là thương lượng và hòa giải. Nó được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng, hợp tác và đi đến thống nhất. Tuy nhiên, đối với các trường hợp tranh chấp lớn, có tính phức tạp mà bản thân các chủ thể không thể tự quyết, lúc này cần có sự can thiệp của các cơ quan tài phán.
Các cơ quan tài phán kinh doanh- thương mại ở Việt Nam
Tài phán kinh tế là toàn bộ các hoạt động của tổ chức, cơ quan hay các nhân có thẩm quyền theo luật định trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế . Cơ quan tài phán gồm : Tòa kinh tế và trung tâm trọng tài thương mại.
Tòa án kinh tế
Là một tòa chuyên trách, giải quyết các tranh chấp trong linh vực kinh tế, kinh doanh thương mại và tuyên bố phá sản.
Theo quy định tại Điều 29 BLTTDS thì tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm 4 nhóm: (1) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận (được liệt kê từ điểm a đến điểm o khoản 1 Điều 29); (2) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận (có thể tất cả hoặc một trong các bên có đăng ký kinh doanh hoặc các bên đều không có đăng ký kinh doanh) được quy định tại khoản 2 Điều 29; (3) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, chấm dứt hoạt động của công ty được quy định tại khoản 3 Điều 29; (4) các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định được quy định tại khoản 4 Điều 29.
Trọng tài thương mại
Theo pháp lệnh 09/2003/PL_UBTVQH, trọng tài là phương pháp giải quyết phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thoả thuận và được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng do pháp lệnh này quy định. Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Quy trình tố tụng trọng tài thương mại
– Nguyên đơn nộp đơn kiện, chỉ định trọng tài viên và nộp phí trọng tài.
– Trung tâm trọng tài kiểm tra sơ bộ về vấn đề thẩm quyền, thụ lý đơn kiện và gởi thông báo cho đơn vị bị đơn.
– Bị đơn nộp bản tự bảo vệ và chỉ định trọng tài viên.
– Hội đồng trọng tài: chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ được hai trọng tài viên của nguyên đơn và bị đơn bầu hoặc do chủ tịch hồi đồng trọng tài chỉ định.
– Hội đồng trọng tài xem xét, giải quyết vụ tranh chấp
– Hội đồng trọng tài triệu tập các bên đến phiên họp để giải quyết tranh chấp
– Công bố quyết định trọng tài: Quyết định được công bố sẽ có giá trị chung thẩm và ràng buộc với các bên.