Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế VN đang trên đà phát triển, hoạt động kinh doanh, thương mại tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhưng bên cạnh đó, các vụ tranh chấp hợp đồng thương mại, đặc biệt là các hợp đồng có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng. Nội dung tranh chấp cũng đa dạng, phức tạp hơn, như: tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng chuyên chở, hợp đồng đại lý, hợp đồng bảo hiểm…
Nhận thức rõ diễn biến của các hiện trạng, tính chất, mức độ, hệ quả về tranh chấp thương mại hẳn sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn thống quan và chủ động hơn trong các quan hệ thương mại.
Những con số đáng lưu tâm: Số vụ tranh chấp trong kinh doanh, thương mại tăng qua các năm và có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Điển hình là năm 2011, chỉ là 8.418 vụ nhưng đến năm 2012 đã là 11.995 vụ, tăng 42%. Số lượng các vụ tranh chấp về hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng: năm 2006 có 302/1.978 vụ; năm 2007 với 342/3.783 vụ; năm 2008 là 419/4.748 vụ…
Điều ấy tất yếu không tranh khỏi, trong tính nội tại của nó, vấn đề ấy là một trong những thuộc tính cố hữu của sự vận động kinh tế. Chúng ta chỉ có thể tìm những cách thức giải quyết tối ưu để nền kinh tế vận hành tốt chứ không thể triệt tiêu nó. Xét từ giác độ bản chất, đó là những mâu thuẫn của bản thân nền kinh tế, đó cũng chính là động lực của sự phát triển.
Nguyên nhân xảy ra tranh chấp thương mại
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp từ hợp đồng thương mại quốc tế. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về các quy định thiếu đồng bộ, rườm rà, lạc hậu của hệ thống pháp luật thì còn phải kể đến những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía DN, như:Hợp đồng được ký kết sơ sài, không quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên. Trên thực tế, rất nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu tất cả điều khoản chỉ nằm trong một trang giấy A4.
Nhiều DN thiếu biện pháp phòng ngừa rủi ro, hoặc chưa am hiểu về các chế tài và các biện pháp có thể bảo vệ mình, cũng như cách vận dụng các chế tài này.
Trong nhiều trường hợp tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế, các bên không ghi rõ trong hợp đồng luật áp dụng sẽ là luật nước nào. Theo thống kê tại Hội thảo “Việt Nam gia nhập Công ước của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” được tổ chức ngày 01.11.2013 tại TP.HCM, thì có đến 80% các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng xuất nhập khẩu của các DNVN là không quy định luật áp dụng.Như vậy, khi tranh chấp xảy ra thì các bên hay Tòa án, Trọng tài cũng rất khó khăn khi xác định luật áp dụng.
Hay có thể tóm lại, đại ý rằng: thứ nhất, do cơ chế, thủ tục chậm đổi mới; thứ hai, thiếu kiến thức luật pháp và kỹ năng soạn thảo hợp đồng.
Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thương mại, Doanh nghiệp VN hoặc chọn Tòa án (Tòa kinh tế) hoặc chọn trọng tài. Tùy từng trường hợp cụ thể, tùy từng “ý chí” của các bên mà việc chọn lựa được tiến hành.