Theo luật sư, vụ việc này gây thiệt hại nghiêm trọng, để có cơ sở xác định trách nhiệm và nguyên nhân chính gây ra tai nạn, cơ quan CSĐT cần nhanh chóng khởi tố án.
Liên quan đến vụ việc cầu Ghềnh bị gãy sập trưa 20/3 đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.
Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:
Như thông tin báo chí đã đăng tải Lúc 11g45 người dân ở Phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa nghe 1 tiếng va chạm lớn giữa sà lan với cầu Ghềnh khiến cây cầu này đã bị sập. Cho tới thời điểm này, đã khẳng định có 3 người thoát chết. Hiện công an đã mời nhiều người lên làm việc để khoanh vùng những người có khả năng mất tích. Công tác cứu hộ, tìm kiếm vẫn đang được thực hiện với nhiều phương án được đưa ra và lực lượng được tăng cường.
Theo ghi nhận, tại khu vực cầu bị gãy, phần cầu thuộc xã Hiệp Hòa, một thanh sắt dài 8m cắm xuống sông, trên phần cầu còn lại vẫn còn “lủng lẳng” vài chiếc xe máy của các nạn nhân.Ở phần cầu thuộc phường Bửu Hòa, nhiều thanh tà ray dài 15m đã cắm xuống sông.
Tùy nguyên nhân để xác định trách nhiệm
Để xác định trách nhiệm của các bên trong sự cố này, phải tìm nguyên nhân để xảy ra tai nạn. Theo đó phải biết hoạt động của sà lan và việc tuân thủ các quy định về an toàn đường thủy nội địa của sà lan, chủ sà lan và người điều khiển sà lan có tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật hay không.
Trường hợp nếu qua quá trình xác định nguyên nhân xảy ra sự cố là do thời tiết, sự kiện bất khả kháng chứ không phải vì nguyên nhân do an toàn kỹ thuật hoặc các tiêu chuẩn về giao thông đường thủy nội địa bị vi phạm thì chủ sà lan hoặc người có trách nhiệm trong điều khiển sà lan sẽ không bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra các nguyên nhân gián tiếp như cầu yếu, chất lượng cầu không đảm bảo do tuổi thọ cao, các yếu tố môi trường cũng cần xem xét cẩn trọng.
Có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự
Trường hợp này qua đánh giá sơ bộ hiện tại chưa có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản thì cực kỳ nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây tai nạn ban đầu được xác định là do xà lan tông vào móng cầu, nên hành vi của tài công điều khiển xà làn sẽ bị xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra cần nhanh chóng khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Căn cứ vào điều 212 Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ thì: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Trường hợp này người điều khiển sà lan đã bỏ trốn khỏi hiện trường nên có cơ sở để truy cứu theo khoản 2 điều này: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;”.
Do đó, để được hưởng khoan hồng của pháp luật, tài công điều khiển xà lan cần nhanh chóng đến trình diện tại các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, một loạt các hành vi liên quan khác có thể được xem xét như: “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn”, “điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ”. Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại xảy ra.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
Trần Lê An Nguyên
Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện