Theo luật sư, hành vi đánh đập dã man vợ của mình, người chồng có thể đối diện với mức án lên tới 3 năm tù vì tội cố ý gây thương tích.
Liên quan đến vụ việc vợ bị chồng bạo hành dã man vì bán hàng đa cấp mất tiền đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.
Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:
Như thông tin báo chí đã đăng tải Công an xã Nghi Diên, huyện Nghị Lộc, tỉnh Nghệ An, cho biết đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ việc chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1978, trú tại xóm 13 xã Nghi Diên) tố cáo chồng đánh đập, hành hạ dã man.
Theo trình bày của chị Hồng với báo chí, việc chị bị chồng là anh Nguyễn Ngọc Phong hành hạ đánh đập diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2016. Đỉnh điểm vào khoảng 8 giờ ngày 3-3 vừa qua, chị vừa đi chợ về thì anh Phong lao đến túm tóc kéo, bóp cổ rồi lôi vào nhà lấy kéo cắt tóc, áp chiếc tô bằng sắt đã nướng nóng đỏ vào má trước sự chứng kiến của nhiều người.
Nguyên nhân chị bị đánh đập dã man là do trong thời gian chồng chị đi xuất khẩu lao động ở Angola có gửi tiền về, nhưng chị có tham gia bán hàng đa cấp và bị lừa lấy hết tiền. Ngoài ra, trong thời gian tham gia bán hàng đa cấp, chị gặp nhiều người đàn ông nên có nhắn tin gọi điện, “chat” trên mạng xã hội nên hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn.
Tuy nhiên, anh Phong phủ nhận việc đánh vợ, chị Hồng hiện lại không có mặt tại địa phương nên cơ quan công an xã không thể làm việc với hai bên để làm rõ được.
Xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe thành viên gia đình
Xét về bản chất của hành vi thì người chồng trong trường hợp này đã thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe của chị Hồng, hay nói cách khác là biểu hiện của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo quy định của pháp luật, người có hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự nếu có đủ căn cứ để khởi tố vụ án.
Trong trường hợp của chị Hồng, cần sớm tiến hành giám định thương tích để biết chính xác mức độ tổn hại về sức khỏe của bản thân làm căn cứ cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính với người chồng. Việc đánh đập diễn ra thường xuyên và để lại nhiều thương tích nặng nề nêu trên không thể xử lý về tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 151 BLHS 1999 bởi theo hướng dẫn hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC- VKSNDTC thì với sự việc này, trên thực tế mặc dù có hành vi ngược đãi, hành hạ và có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm nhưng hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi cố ý (người chồng chủ đích và mong muốn thông qua lời nói, hành động) nên sẽ bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự trong trường hợp thương tích chị Hồng trên 11% và có đơn yêu cầu khởi tố từ chị Hồng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người chồng có thể phải chịu mức cao nhất của khung hình phạt cho tội danh này lên tới ba năm tù.
Chỉ khởi tố khi có yêu cầu
Bởi chị Hồng đã chịu đựng trong một thời gian dài nên việc chị chấp nhận làm đơn yêu cầu khởi tố hình sự người chồng sẽ khó xảy ra. Như vậy dù có đủ yếu tố về hành vi và hậu quả nhưng không có đơn yêu cầu khởi tố theo quy định tại điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự thì cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người chồng theo khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự.
Trường hợp này xảy ra, người chồng sẽ bị xử phạt theo Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Những hàng vi bị xử phạt bao gồm:
“Điều 49: Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối.
Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.”
Tổng hợp mức xử phạt có thể lên tới 3.000.000 đồng.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
Trần Lê An Nguyên
Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện