Liên quan đến vụ việc đăng tải đoạn clip có nội dung “9 học sinh cấp 2 vào nhà nghỉ thác loạn” đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.
Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:
Như thông tin báo chí đã đăng tải Chiều 16/3, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh nhóm thiếu niên gồm 2 nam, 7 nữ tụ tập trong nhà nghỉ ở phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội). Trong clip, nhóm này đang co cụm trong góc phòng nghỉ. Một trong số này mặc đồng phục học sinh. Trong đoạn clip dài 36 giây có tiếng người đàn ông yêu cầu nhóm này ngẩng mặt để quay camera. Khi một số thiếu niên dùng tay che chắn, anh này đã lăng mạ, mạt sát đầy khiếm nhã.
Một vài hình ảnh phát đi kèm cho thấy, công an sở tại đã dùng xe bán tải đưa nhóm người thuê nhà nghỉ về trụ sở. Sau khi xác định nhóm trẻ em này không có vi phạm gì, cơ quan công an đã yêu cầu gia đình đưa về để quản lý, giáo dục. Đại diện Công an phường Định Công cho biết đoạn clip được người thân của một thiếu niên quay trước khi cảnh sát đến nhà nghỉ nhưng không tiết lộ danh tính.
Vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em
Theo quy định tại khoản 9 điều 7 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em thì kể cả trong trường hợp phát hiện trẻ em vi phạm pháp luật, các cá nhân, tổ chức cũng không được Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em Theo hướng dẫn tại Nghị định 71/2011/NĐ-CP cũng chỉ rõ: Cấm lăng nhục, xỉ vả, bắt làm những việc có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật.
Trường hợp này, việc một nhóm trẻ em ở độ tuổi 14 thuê nhà nghỉ là một giao dịch dân sự thông thường. Tuy nhiên độ tuổi của các em vẫn trong độ tuổi của trẻ em nên những giao dịch như vậy bắt buộc phải thông qua người giám hộ hoặc có giấy tờ tùy thân chứng minh. Căn cứ Điều 6 thông tư 33/2010/TT-BCA quy định về điều kiện an ninh, trật tự ngành nghề kinh doanh nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự thì đối với cơ sở lưu trú phải chấp hành quy định sau:
“e) Người đến lưu trú có trách nhiệm xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; Hộ chiếu; các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp; giấy xác nhận cử đi công tác của cơ quan, tổ chức; xác nhận của cơ quan đến liên hệ công tác; xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Trường hợp khách đến lưu trú không có các loại giấy tờ trên thì khi cho khách vào lưu trú, chủ cơ sở phải thông báo ngay cho cơ quan Công an phường, xã, thị trấn.”
Trường hợp này cần xác minh chủ nhà nghỉ nêu trên đã thực hiện việc thông báo cho cơ quan công án cấp phường ngay khi hành vi thuê nhà nghỉ diễn ra hay chưa để xử lý về việc vi phạm quy định kinh doanh lưu trú.
Như công an phường đã xác định nhóm trẻ em này không có vi phạm gì, cơ quan công an đã yêu cầu gia đình đưa về để quản lý, giáo dục. Bởi vậy việc quay video, tung lên mạng xã hội là một hành vi vi phạm nghiêm trọng đến đời tư, danh dự, nhân phẩm và nhận thức của các em.
Theo quy định tại Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thì người đăng tải video này có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây:
“a) Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”
Tuy nhiên cần xem xét hậu quả trên thực tế do hành vi này gây ra ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển và hình thành nhân cách của các em, cũng như sự ảnh hưởng bởi những thông tin và cách hành xử mà người tung video đã thực hiện thì mới đưa ra được biện pháp xử lý phù hợp.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự về tội làm nhục người khác thì người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Làm nhục người khác đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, uy hiếp đe dọa để quay clip… Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Trong clip nêu trên, người quay video đã bắt từng em học sinh ngẩng mặt lên để quay rõ mặt từng em và có những lời nói kích động khiến các em ngồi vào một góc và cúi gằm mặt sợ sệt, đây là biểu hiện của hành vi khống chế về tinh thần khiến các em hoảng loạn. Mặt khác, các em hoàn toàn không có hành vi vi phạm pháp luật, việc quay clip nêu trên là một trò tiêu khiển rẻ tiền làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật hết sức bảo vệ. Phạm tội với trẻ em, theo quy định của Bộ luật hình sự cũng được xem là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm đối với người phạm tội.
Như vậy không thể loại trừ yếu tố hình sự trong vụ việc này, nếu bị khởi tố,người quay video sẽ có thể đối diện với mức hình phạt lên đến 2 năm tù.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
Trần Lê An Nguyên
Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện