Với hậu quả gây ra cho bệnh nhân Lê Thị Hà Vi, ngoài trách nhiệm bồi thường theo quy định, bác sĩ có hành vi tắc trách còn đối diện mức án lên đến 5 năm tù.
Liên quan đến vụ việc nữ sinh bị cưa chân ở Đăk Lắk đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.
Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:
Như thông tin báo chí đã đăng tải vào trưa 6.3, Lê Thị Hà Vi đi học về thì bị tai nạn giao thông, được đưa vào cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Cư Kuin. Sau khi bị tai nạn, Vi bị gãy mâm chày chân phải rồi bó bột. Đến tối cùng ngày, Vi kêu bó bột chật quá, kêu gào đau đớn và bị tê chân, phần dưới không còn cảm giác đau. Do vậy, gia đình đề nghị tháo bột và cho chuyển viện nhưng các bác sĩ không có ý kiến trước tình trạng này. Đến sáng 8.3, các bác sĩ mới đồng ý tháo bột cho Vi. Thấy chân Vi xuất hiện nhiều bọng nước, sưng vù, gia đình tiếp tục đề nghị được chuyển viện nhưng các bác sĩ bảo bệnh nhẹ, không đồng ý cho chuyển.
Trưa ngày 11.3, bệnh viện cho bệnh nhân Vi chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, các bác sĩ cho biết cơ chân Vi bị hoại tử, đứt hết các mạch máu nên chuyển xuống BV Chợ Rẫy nhưng đã muộn, phải phẫu thuật cắt bỏ gần hết chân phải.
Tắc trách, yếu kém chuyên môn hay vi phạm quy định về khám chữa bệnh?
Để xác định trách nhiệm trong vấn đề này, cần phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc nêu trên. trong bản tường trình về sự việc, bác sĩ Y Tâm – người trực tiếp bó bột cho nạn nhân cho biết do công việc nhiều cộng áp lực lớn nên không quán xuyến hết, dẫn đến sự việc đáng tiếc. Tức là muốn đẩy nguyên nhân sang do tắc trách, yếu kém chuyên môn. Vấn đề muôn thủa trong các vụ tai biến y tế hiện nay là những người trực tiếp có liên quan để xảy ra sự việc đều xác định thuộc về nguyên nhân khách quan, tức là do tắc trách và yếu kém về năng lực chứ rất ít trường hợp có kết luận là vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Về nguyên tắc xử lý, sẽ phải tiến hành thành lập một hội đồng chuyên môn để xác định chính xác nguyên nhân xảy ra sự việc chứ không chỉ dựa vào báo cáo hay tường trình từ một bên. Bản lề của sự việc này là xem xét việc có hành vi vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh hoặc vi phạm nghiêm trọng các quy định chuyên môn kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xử lý hình sự đối với người có liên quan để xảy ra sự cố nêu trên.
Phải bồi thường thiệt hại
Nếu không kết luận được bác sĩ Y Tâm đã vi phạm các quy định về khám chữa bệnh mà cụ thể trong trường hợp này là các quy định về sơ cứu, bó bột với người bị gãy mâm chày chân phải thì chỉ có thể xử lý kỷ luật với bác sĩ này và yêu cầu bệnh viện phải bồi thường thiệt hại cho những tổn thất mà Hà Vi phải chịu đựng. Căn cứ vào Điều 618 Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì bác sĩ Y Tâm là người của bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin nên bệnh viện này phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được bệnh viện giao; sau khi bệnh viện đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự, theo đó thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc bồi thường được hướng dẫn bởi Khoản 1 Mục 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, theo đó nạn nhân Hà Vi có thể được bồi thường cho những thiệt hại về vật chất và tinh thầ bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Trường hợp em Hà Vi, nếu bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Ngoài ra, cũng sẽ được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần do phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút ảnh hưởng tới cuộc sống sau này, mức tối đa cho bồi thường về tinh thần là 30 tháng lương tối thiểu tại thời điểm bồi thường.
Phải xem xét cả các dấu hiệu hình sự
Việc thường xuyên kết luận do tắc trách, yếu kém chuyên môn đã khiến nỗi sợ của bệnh nhân với ngành Y tế tăng cao trong thời gian gần đây, một phần bởi pháp luật có quy định nhưng gần như không được áp dụng trên thực tế. Căn cứ theo quy định của Điều 242 Bộ luật hình sự 1999 về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thì người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Vấn đề là chưa từng có bất cứ hướng dẫn nào của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn để xác định về thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác. Nếu căn cứ vào các quy định hiện hành ví dụ hướng dẫn tại Khoản 4.1 Điều 4 Phần 1 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng thì được xác định như: Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên. Dựa vào điều này có thể kết luận, nếu xác định bác sĩ Y Tâm đã vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh như sai sót trong chẩn đoán, thực hiện sai quy trình bó bột hoặc cố định xương gãy…và giám định tỉ lệ tổn hại sức khỏe của Hà Vi trên 31% thì đủ yếu tố để cấu thành tội phạm với bác sĩ Y Tâm về tội danh vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo khoản 1 điều 242 Bộ luật hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt có thể lên đến 5 năm tù, ngoài ra việc bồi thường thiệt hại vẫn được xác định theo đúng quy định hiện hành của pháp luật dân sự.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
Trần Lê An Nguyên
Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện